Rất nhiều bộ phim điện ảnh “made in Vietnam” có nội dung kịch bản hấp dẫn, chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa về những góc cạnh đa sắc của cộng đồng LGBT
Bỏ qua những bộ phim lợi dụng hình ảnh của cộng đồng LGBT nhằm mục đích khơi gợi sự tò mò, gây cười hay làm yếu tố câu khách, rất nhiều bộ phim về cộng đồng LGBT đã khai thác những khía cạnh khác nhau trong đời sống, gửi gắm thông điệp tích cực và nhân văn tới cộng đồng LGBT.
Lô Tô (2017)
Được phát hành vào năm 2017, Lô Tô kể về cuộc sống “trôi sông dạt chợ” trên gánh hát lô tô của những người chuyển giới nữ, trong đó nhân vật chính là Lệ Liễu. Lệ Liễu là cô gái chuyển giới sinh ra với hình hài người con trai với cái tên Đực. Vì muốn trở thành con gái, Đực bị bố mẹ bạo hành từ nhỏ bởi những trận đòn roi tàn bạo. Bất lực trước con mình mà cha mẹ đã ép Đực cưới vợ, để rồi sau đêm tân hôn, Đực bỏ chạy tới gánh lô tô Phù Hoa và xin ở lại. Kể từ khi ấy, cuộc đời chỉ còn cô gái Lệ Liễu. Nhiều năm sau, Lệ Liễu trở thành chủ gánh hát và đồng hành với số phận của những người chuyển giới khác như Lệ Phi Phi, Lệ Sa Sa, Lệ Tú Nhàn. Gánh hát lô tô tiếp tục đi khắp nơi và gặp nhiều sóng gió, khó khăn về kinh tế, gặp nhiều sự phá hoại, khó dễ từ những kẻ kỳ thị, dù vậy, họ vẫn lạc quan, yêu đời và sống vui vẻ. Bộ phim là sự phản ánh chân thực cuộc đời của những người chuyển giới nữ, thô ráp mà lộng lẫy, hài hước mà tủi nhục, thể hiện khao khát muốn là chính mình, được công nhận và được yêu thương.
Phim Lô Tô (2017)
Song Lang (2018)
Được đánh giá là một tác phẩm điện ảnh thu hút khi khắc họa hình ảnh của người đồng tính, Song Lang gợi nhắc về loại hình nghệ thuật cải lương trong bối cảnh xã hội những năm 1980, với câu chuyện xoay quanh Linh Phụng – một kép hát cải lương và Dũng Thiên Lôi – một tay chuyên đòi nợ thuê. Dũng bắt gặp Linh Phụng khi đang đòi tiền nợ của đoàn. Dù khoảng cách ban đầu quá lớn, hai người dần tìm được ở nhau những điểm tương đồng và phát sinh sự thấu hiểu và tình cảm, nhưng đến cuối cùng là sự kết thúc khi hai người không bao giờ có thể gặp lại nhau. Xuyên suốt bộ phim, nghệ thuật cải lương được làm nổi bật và giữ vai trò dẫn dắt mạch truyện.
Phim Song Lang (2018)
Thưa mẹ con đi (2019)
Khi được công chiếu vào năm 2019, Thưa mẹ con đi đã tạo được sự chú ý với cộng đồng LGBT và phụ huynh của họ. Lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ, bộ phim kể về hành trình công khai xu hướng tính dục của Văn cũng như mối tình giữa cậu và chàng Việt kiều Ian với gia đình. Không gai góc, không bi lụy, bộ phim chạm đến khản giả bằng sự nhẹ nhàng, tinh tế nhưng lại chứa đựng nhiều cảm xúc đan xen, khắc họa chân thực cuộc chiến nội tâm của những người đồng tính nam, đề cao tình thân, đặc biệt là tình mẫu tử.
Phim Thưa mẹ con đi (2019)
Hot boy nổi loạn (2011)
Đây là bộ phim được đánh giá cao khi tạo ra sự đột phá trong điện ảnh Việt Nam khi tiếp cận một khía cạnh chưa từng được khai thác trước đó, là cuộc sống của những chàng trai làm nghề mại dâm đồng tính. Bộ phim xoay quanh câu chuyện tình yêu giữa nhân vật Khôi – bị gia đình chối bỏ khi phát hiện ra giới tính thật, quyết tâm vào Sài Gòn lập nghiệp và Lam – làm nghề trai bao đồng tính, hàng đêm đứng đợi ở vỉa hè kiếm khách. Không gây cười, không lố lăng, son phấn hay điệu đà, bộ phim là câu chuyện chân thực và đầy tính nhân văn về tình yêu và cuộc sống của những con người thuộc tầng lớp tận cùng xã hội, cay đắng khi bị hoàn cảnh đưa đẩy đến bước đường cùng, nhưng trái tim vẫn luôn bùng cháy khát vọng yêu thương.
Phim Hot boy nổi loạn (2011)
Ngoài các bộ phim trên, còn rất nhiều bộ phim kể câu chuyện của cộng đồng LGBT bằng những góc nhìn điện ảnh khác nhau như Ngôi nhà bươm bướm (2019), Chơi vơi (2009), Sài Gòn, anh yêu em (2016), Yêu (2015), Cầu vồng không sắc (2015), Tao không xa mày (2017), Lạc giới (2014),…
Hãy tham gia sinh hoạt định kỳ cùng chúng tôi để có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, nói lên tiếng nói của bạn và học hỏi từ cộng đồng LGBT. Đăng ký là thành viên tại trang web: https://songhanhphuc.info/ để tham gia và chia sẻ bạn nhé.
Mạc Phi