Người nhiễm HIV rất cần và nên được tiêm vắc xin phòng Covid-19!
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người nhiễm HIV tỏ ra băn khoăn, lo lắng về việc có nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 không? Tuy nhiên theo khuyến cáo, người nhiễm HIV cần được tiêm các loại vắc xin phòng COVID-19 bởi vắc xin đảm bảo an toàn và có hiệu lực bảo vệ đối với những người nhiễm HIV.
- Trước hết, nhiễm HIV là một tình trạng mãn tính, do đó người có HIV thuộc nhóm có bệnh mãn tính, nếu mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ diễn biến nặng. Quyết định số 1210/2021/QĐ-BYT ngày 09/2/2021 của Bộ Y tế cũng đã xác định người có bệnh mãn tính là một trong 11 nhóm ưu tiên để tiêm vắc xin COVID-19, vì vậy người nhiễm HIV thuộc nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin.
- Các loại vắc xin phòng COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt đều an toàn cho người bị suy giảm miễn dịch. Nhiều nghiên cứu thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 tại các quốc gia đã mời những người nhiễm HIV tham gia vào các nghiên cứu và cho thấy hiệu quả an toàn. Các sản phẩm vắc xin hiện có không sử dụng virus sống mà sử dụng các vật liệu di truyền từ SARS-CoV-2. Các vật liệu di truyền này không thể tái tạo hoặc tự nhân lên, nên cho dù cơ thể có miễn dịch yếu thì cũng khó có khả năng vắc xin sẽ sinh ra virus trong cơ thể. Các loại vắc xin phòng COVID-19 được phê duyệt và đang sử dụng tại Việt Nam hoàn toàn có thể tiêm được cho người nhiễm HIV.
- Các loại vắc xin đã được phê duyệt không có tương tác với thuốc ARV nên những người nhiễm HIV đang sử dụng thuốc ARV sẽ không có tương tác thuốc, do đó không làm giảm hiệu quả điều trị HIV. Bên cạnh đó, một số giả thuyết cho rằng thuốc ARV có tác dụng ngăn ngừa COVID-19, tuy nhiên cho đến nay chưa có bằng chứng nào chứng minh cho giả thuyết này.
Các loại vắc xin phòng COVID-19 có hiệu quả và an toàn với người nhiễm HIV
Nhiều người nhiễm HIV lo lắng về việc bị từ chối tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc sợ bị lộ thông tin cá nhân và tình trạng nhiễm HIV của mình, vì để đăng ký vào diện ưu tiên, người nhiễm HIV cần phải thông báo về tình trạng của mình cho cơ sở y tế hoặc đơn vị tổ chức tiêm chủng tại địa phương. Tuy nhiên, các cơ sở y tế chịu trách nhiệm về tổ chức và triển khai hoạt động tiêm phòng vắc xin COVID-19 cần có hiểu biết và thực hành đúng để không vi phạm đến quyền được bảo vệ thông tin cũng như tiếp cận các dịch vụ y tế của của người nhiễm HIV.
Theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, hiện số người nhiễm HIV trong cộng đồng khoảng 250.000 người, trong đó 213.000 người biết được tình trạng nhiễm. Điều quan trọng có thể thấy là lợi ích của tất cả các loại vắc xin phòng COVID-19 trong bảo vệ sức khỏe cá nhân và gia tăng miễn dịch cộng đồng, đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt các nhóm dân cư trọng điểm và dễ bị tổn thương.
Hãy tham gia sinh hoạt định kỳ cùng chúng tôi để có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, nói lên tiếng nói của bạn và học hỏi từ cộng đồng LGBT. Đăng ký là thành viên tại trang web: https://songhanhphuc.info/ để tham gia và chia sẻ bạn nhé.
Mạc Phi