Trong tình hình hình dịch COVID-19 hiện nay, tất cả người dân trong độ tuổi tiêm chủng, bao gồm người sống chung với HIV, cần phải tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Tiêm phòng đầy đủ vaccine làm giảm nguy cơ mắc COVID-19, giảm nguy cơ bệnh nặng và biến chứng nếu không may nhiễm bệnh.
Người sống chung với HIV thuộc nhóm bệnh mạn tính, nếu mắc COVID-19 có thể có diễn biến nặng hơn (đặc biệt ở những người có định lượng CD4 thấp, tải lượng HIV cao). Vì vậy, người sống chung với HIV thuộc nhóm được ưu tiên tiêm chủng vaccine.
Các loại vaccine COVID-19 hiện nay được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt và đang sử dụng tại Việt Nam đều AN TOÀN khi tiêm cho người sống chung với HIV theo các nghiên cứu đã được công bố. Các vaccine này không thuộc nhóm vaccine sử dụng virus sống, nên ngay cả khi người sống chung với HIV có suy giảm miễn dịch, CD4 thấp cũng không sợ vaccine sinh ra virus trong cơ thể gây bệnh COVID-19.
Thuốc kháng virus HIV (ARV) không có tương tác với vaccine COVID-19, do vậy không làm giảm hiệu quả của tiêm chủng, cũng như tiêm chủng không giảm hiệu quả của điều trị HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).
Vì vây, người sống chung với HIV đang điều trị thuốc ARV và người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV đang sử dụng thuốc ARV để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hoàn toàn yên tâm đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Đối với người sống chung với HIV chưa điều trị thuốc ARV, thì cần điều trị ARV ngay càng sớm càng tốt và đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Người sống chung với HIV có suy giảm miễn dịch nặng, CD4 thấp thuộc đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng. Người sống chung với HIV có biểu hiện nhiễm trùng cơ hội cấp tính cần được điều trị tại cơ sở y tế và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sau khi điều trị các bệnh cấp tính ổn định.
Tất cả những người đang sử dụng thuốc ARV để điều trị HIV hay điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) khi đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 không được dừng thuốc trước và sau khi tiêm để đảm bảo hiệu quả điều trị. Ngoài ra, vẫn phải nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K và phòng tránh dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
Tài liệu tham khảo
- Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y Tế, ngày 10 tháng 08 năm 2021.
- Mark Mascolini. Higher CVD Risk With HIV, Especially in People Younger Than 40. IAS 2021, 11th IAS Conference on HIV Science, July 18-21, 2021
- Daniel Kwakye Nomah. Unsuppressed plasma HIV- RNA is associated with worse COVID-19 outcome among people living with HIV. IAS 2021, 11th IAS Conference on HIV Science, July 18-21, 2021
- https://www.thelancet.com/journals/lanhiv/article/PIIS2352-3018(21)00103-X/fulltext
- https://www.unaids.org/en/resources/documents/2021/covid19-vaccines-and-hiv
- https://www.who.int/news-room/q-a-detail/coronavirus-disease-(covid-19)-covid-19-vaccines-and-people-living-with-hiv
- https://clinicalinfo.hiv.gov/sites/default/files/guidelines/documents/HIV_COVID_19_GL__2021_1.pdf
- https://unaids.org.vn/wp-content/uploads/2017/12/90-90-90-brochure-VN-2017_11Dec17-3.pd