Kodo Nishimura, một nhà sư Phật giáo tại Nhật Bản và là một chuyên gia trang điểm nổi tiếng hoạt động ở cả Nhật Bản và Hoa Kỳ, đã mạnh mẽ công khai là một người đồng tính nam, trở thành nguồn cảm hứng lớn cho cộng đồng LGBTQ.
Kodo Nishimura (1989) sinh ra và lớn lên tại một ngôi chùa thuộc phái Jodo, Tokyo, cũng là nơi cha của anh giữ chức trụ trì. Sau khi tốt nghiệp trung học, thay vì trở thành một nhà sư, anh đã đi ngược lại với truyền thống của gia đình khi chọn du học tại Mỹ. Năm 2013, Nishimura tốt nghiệp trường Parsons School of Design tại New York.
Trước khi đi du học, Nishimura thường cảm thấy mặc cảm, tự ti vì bản dạng giới khác biệt. Anh không thể chia sẻ với bất kỳ ai về bí mật này của bản thân và chìm ngập trong sự khổ đau. Anh nhớ lại: “Tôi rời Nhật Bản để tìm kiếm một nơi nào đó mà bản thân có thể là chính mình”. Tuy vậy, ngay cả khi đã đến Mỹ, anh cũng cảm thấy khá do dự khi come-out, nhưng mọi thứ đã thay đổi khi anh có dịp gặp gỡ cộng đồng LGBT+ địa phương, tham gia vào lễ hội Pride NYC và có nhiều trải nghiệm khác trong cuộc sống. Từ đo, Nishimura hiểu rằng bí mật thầm kín nhất của bản thân chính là một phần con người thật của mình, và anh nhận thấy không cần phải giấu giếm nữa.
Sự đối lập trong cuộc đời của Kodo Nishimura
Tại trường thiết kế ở New York, Nishimura theo học chuyên ngành về mỹ thuật. Trưởng khoa của Nishimura cũng là người đồng tính và ông đã không hề giấu đi mối quan hệ với người tình, cũng là đồng nghiệp tại khoa. Hơn nữa tại trường, cũng có nhiều giáo viên hướng dẫn khác thuộc cộng đồng LGBTQ. Nishimura viết trong cuốn sách “This Monk Wears Heels: Be Who You Are” rằng anh có nhận thức mạnh mẽ về việc “không có gì là sai khi trang điểm hay cởi mở chuyện mình là người đồng tính, sau khi được chứng kiến cách mọi người đang sống cuộc đời là chính họ ở đất Mỹ”.
Nishimura trang điểm cho thí sinh của Miss Universe.
Tuy vậy, Nishimura cũng đã có một khoảng thời gian rất khó khăn để chia sẻ điều này với gia đình mình. Trong lúc theo học tại Mỹ, anh đã gặp một bạn người Mexico, 16 tuổi tại cộng đồng LGBT+ trẻ ở Boston. Cậu đã come-out với bố mẹ ở Mexico nhưng họ lại không thể chấp nhận và bỏ rơi cậu, vì vậy, cậu đã bay sang Mỹ với tư cách là dân nhập cư. Trải qua rất nhiều lần do dự, Nishimura đã công khai với bố mẹ vào năm 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường thiết kế tại Mỹ. Anh nhớ lại cảm giác nặng nề đã bao phủ lấy trái tim và bóp nghẹt tâm trí anh như một làn sương mù dày đặc khi ấy. Tuy nhiên, mẹ của Nishimura trông rất thoải mái, chính điều này đã khiến cho làn sương mù tồn tại bấy lâu dần tan biến. Bố của Nishimura, vị sư trụ trì và là một triết gia Phật giáo, đã nói với anh rằng hãy sống như cách con muốn bởi đó là cuộc đời của con. Khi nhìn lại cột mốc come-out, Nishimura cảm thấy rất nhẹ nhõm và vui mừng khi bố mẹ đã chấp nhận đứa con trai của họ là chính nó, mà không một chút do dự hay oán trách.
Nishimura khi trở thành một nhà sư.
Mặc dù có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp như trở thành nghệ sĩ trang điểm, nhưng Nishimura lại chọn ngã rẽ mới cho cuộc đời mình khi quyết định theo học một khóa đào tạo về Phật giáo. Nishimura lớn lên tại một ngôi chùa đã tồn tại từ cuối thời Trung cổ ở Nhật Bản, nhưng anh từng không có ý định kế thừa và tiếp quản vị trí trụ trì từ cha mình. Anh chia sẻ rằng thực ra anh không thích đạo Phật bởi anh cho rằng đạo Phật có những hạn chế và dường như không chấp nhận việc một chuyên gia trang điểm hoặc người đồng tính như anh. Tuy nhiên, anh nghĩ việc quay lưng lại với nguồn cội của mình thật là lãng phí. Sau khi tham khảo ý kiến của những người cố vấn, anh nhận ra rằng mình chưa thật sự hiểu rõ về Phật giáo và đánh giá nó bằng cái nhìn đầy thành kiến. Anh nhận ra mình có thể vừa là một nhà sư Phật giáo vừa là một chuyên gia trang điểm, với mục tiêu là truyền bá niềm tin Phật giáo về sống trong hạnh phúc và hòa hợp với người khác.
Ngay sau khi Nishimura bắt đầu khóa tu, anh tìm thấy một đoạn trong Kinh A Di Đà viết rằng “Trì trung liên hoa đại như xa luân, thanh sắc thanh quang, huỳnh sắc huỳnh quang, xích sắc xích quang, bạch sắc bạch quang, vi diệu hương khiết”. Mỗi loài hoa sen tỏa ra màu sắc riêng của nó, điều này có nghĩa là mỗi người nên tỏa sáng bằng chính màu sắc độc đáo của riêng họ và sự đa dạng cũng là một điều tuyệt vời. Nishimura phân tích: “Đức Phật dạy rằng tất cả mọi người đều bình đẳng, và với tư cách là một nhà sư, nhiệm vụ của tôi là truyền tải thông điệp này đến với thế giới”.
Cuốn sách “This Monk Wears Heels: Be Who You Are” được xuất bản vào tháng 2/2022.
Mất hai năm để hoàn thành khóa tu, Nishimura chính thức đủ điều kiện để trở thành một trụ trì vào năm 2015, và bắt đầu viết nên cuốn sách “This Monk Wears Heels: Be Who You Are” được xuất bản bởi Watkins Publishing vào tháng 2/2022. Thông qua cuốn sách, Nishimura mong muốn chia sẻ với mọi người những điều chỉ một nhà sư đồng tính mới có thể nói ra. Nishimura bày tỏ rằng, tại Nhật Bản, hiếm khi cuộc sống của một người bị hủy hoại vì đi ngược giáo lý tôn giáo khi come-out là một LGBT+, nhưng ở bên ngoài nước Nhật, mọi thứ lại khác. “Tôi biết được có khoảng 70 quốc gia, nơi những người thuộc cộng đồng LGBT+ bị xem là phạm tội vì lý do tôn giáo. Đó là nguyên do tại sao tôi muốn truyền tải thông điệp của mình đến với cộng đồng LGBT+ bên ngoài nước Nhật thông qua cuốn sách này”.
Truy cập website: https://songhanhphuc.info/ để kết nối, chia sẻ và cập nhật các hoạt động của Phòng khám SHP.