“Ngày 02/10/2024 vừa qua tại Hà Nội, Phòng khám Sống Hạnh Phúc cùng nhiều các tổ chức, ban ngành, đầu cầu liên quan đã có cơ hội tham dự “Hội thảo dự phòng và điều trị cho người sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine” do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC) phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc về Phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) cùng Đại học Y Hà Nội (HMU) đồng tổ chức”
Hội thảo có sự góp mặt của ThS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cùng PGS. TS. Lê Minh Giang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu về Lạm dụng chất và HIV (CREATA-H) và bà Sanita Suhartono, chuyên gia quốc tế của UNODC, làm chủ trì. Ngoài ra, tại sự kiện đã có sự góp mặt của các đại diện đến từ các ban ngành thuộc Bộ Y tế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội; các trường đại học như Đại học Y Hà Nội và Đại học Lao động xã hội; cùng các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp xã hội, tổ chức quốc tế và đầu cầu khắp 63 tỉnh thành.
Tại Hội thảo, đại diện của các ban chủ trì lần lượt phát biểu và trình bày về thực trạng sử dụng chất nói chung và chất kích thích dạng Amphetamine nói riêng ở trên toàn cầu và Việt Nam. ThS. Võ Hải Sơn phát biểu khai mạc tại Hội thảo đã nhấn mạnh mối quan tâm lớn của các ngành liên quan bao gồm Y tế, Lao động – Thương binh xã hội, và Công an về vấn nạn nguồn cung và nhu cầu sử dụng chất kích thích ngày càng tăng, hiệu lực ngày càng cao, và giá thành ngày càng rẻ. Để khắc phục và quản lý kịp thời cần có sự phối hợp của các ban ngành, các tổ chức cộng đồng và hợp tác quốc tế nhằm nâng cao nghiên cứu, cải thiện phương pháp điều trị và cung cấp thông tin cho đại chúng.
Về phía UNODC, bà Sanita Suhartono đã có phát biểu đánh giá thực trạng sử dụng chất kích thích trên thế giới và Việt Nam. Qua đó, bà cũng trình bày và thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế qua chương trình Sáng kiến toàn cầu #ScaleUp nhằm triển khai hạn chế các can thiệp tâm lý xã dựa vào bằng chứng để điều trị rối loạn sử dụng chất kích thích. Thông qua chương trình này, UNODC mong các cộng đồng các quốc gia sẽ tham gia mạng lưới và cống hiến xây dựng nền tảng chứng cứ để sớm đạt được mục tiêu lập phác đồ điều trị bằng dược phẩm có thể sớm được áp dụng tại các quốc gia.
Về chặng sau trong khuôn khổ chương trình, các tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội như Doanh nghiệp Xã hội Hải Đăng, Phòng khám SHP, Mạng lưới Người sử dụng ma túy Việt Nam (VNPUD) và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm thực tế thực hiện các chương trình can thiệp tâm lý xã hội cho người sử dụng ATS tại Việt Nam và nêu lên các vấn đề đặc trưng cho các nhóm yếu thế như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người trẻ và phụ nữ. Lần lượt, các buổi trình bày nêu lên kết quả của các chương trình giáo dục về sử dụng chất khi quan hệ tình dục (ChemSex/HighFun), cung cấp thuốc chống lây nhiễm HIV (PrEP) và vận động quyền cho các nhóm yếu thế. Qua đó, các tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội thống nhất quan điểm về việc cần thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế, nâng cao tiếp cận và xóa bỏ kỳ thị ở nhóm người sử dụng ATS.
Kết thúc Hội thảo, PGS. TS. Lê Minh Giang chủ trì một bảo tọa đàm giữa các tổ chức tham gia nhằm nêu lên thực trạng, các vấn đề cũng như các cơ hội hiện có cho can thiệp sử dụng chất kích thích ở Việt Nam. Các đầu cầu địa phương ở khắp Việt Nam cùng với các đại biểu tham dự trực tiếp đã sôi nổi đóng góp ý kiến. Tại đây, vấn đề về nhân lực, đào tạo và hành lang pháp lý còn tồn dư đã được nhấn mạnh nhằm đảm bảo nền tảng vững chắc cho các dịch vụ y tế hiện có tại các địa phương. Về mặt cơ hội, các cơ hội tham gia hợp tác quốc tế như Liên minh Toàn cầu ứng phó với mối đe dọa từ ma túy tổng hợp cũng như tổ chức tích cực các dự án cộng đồng đã được nêu lên là các bước tiến quan trọng. Vào phiên này, Phòng khám Sống Hạnh Phúc đã có phần góp ý đẩy mạnh vai trò tham gia của giới trẻ và tận dụng công nghệ số như mạng xã hội nhằm đẩy mạnh thông tin và xóa mờ khoảng cách cho các cộng đồng yếu thế đến các dịch vụ y tế cần thiết.
Sau tổng kết cuộc tọa đàm, Hội thảo được chính thức kết thúc trong ngày nhưng sẽ tiếp tục vào ngày tiếp theo với cuộc tòa đạm chuyên môn về “Cơ hội tiếp cận, chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy tại cộng đồng” với thêm sự góp mặt của đại diện từ Tòa án nhân dân tối cao, Vụ khoa giáo – văn xã thuộc Văn phòng Chính phủ, và một số ban ngành liên quan khác.