Hưởng ứng ngày báo chí Việt Nam 21/06, hãy cùng nhìn lại sự thay đổi của góc nhìn báo chí về Người chuyển giới tại Việt Nam
Ảnh bìa: Góc nhìn của báo chí Việt Nam về người chuyển giới, Vietnamnet
Người chuyển giới tại Việt Nam hiện diện từ rất lâu trong xã hội, câu chuyện đầy nét riêng của họ luôn được truyền tải đến cộng đồng qua các phương tiện truyền thông, báo chí. Chính nhờ sự truyền tải thông tin đa dạng đã giúp cho xã hội có cái nhìn đa chiều về những vấn đề xung quanh cuộc sống của người chuyển giới- Transgender (TG).
Báo chí trước năm 2010
Các bài báo nói về TG chủ yếu đăng tải các vụ việc người chuyển giới bị xâm hại và đưa tin về các cuộc thi sắc đẹp của TG trên trường quốc tế. Một phần vì khi đó truyền thông mạng chỉ mới chớm nở tại Việt Nam, phần khác vì người chuyển giới còn khá ẩn mình. Hình ảnh của họ vào thời điểm này rất mờ nhạt, nhận thức xã hội còn nhiều định kiến cùng thông tin chưa chính xác về cộng đồng TG.
Khoảng những năm 2000, các diễn đàn trên Internet cho người Chuyển giới Việt Nam đã xuất hiện, tạo ra môi trường giao lưu và chia sẻ an toàn hơn so với cuộc sống ngoài mạng Internet, vốn nhiều thử thách với người Chuyển giới.
Báo chí từ 2010 – 2015
Góc nhìn của báo chí Việt Nam về người chuyển giới, Dantri
Trong 05 năm sau đó, báo chí đã bắt đầu nhắc tới người chuyển giới một cách chủ động hơn. Bắt đầu từ những góc khuất khó khăn, nét sống mưu sinh của người chuyển giới làm ở gánh xiếc, hát lô tô, … cho đến việc những cá nhân công khai là TG trên sóng truyền như: Lâm Khánh Chi, Hương Giang idol, … đã cho mọi người nhìn nhận một cách khách quan và cởi mở về người chuyển giới.
Hội thảo “Khát vọng được là chính mình” năm 2012, trình bày nghiên cứu đầu tiên về người Chuyển giới tại Việt Nam đã thu hút báo chí, lần đầu tiên quyền về nhân thân cho người Chuyển giới được đề cập với các nhà làm luật ở Việt Nam. Ngoài ra, sự xuất hiện của các nhóm, tổ chức tự lực của người chuyển giới đã được báo chí ghi nhận lại thông qua các hoạt động sự kiện dành riêng cho cộng đồng.
Sự xuất hiện của các nhóm, tổ chức tự lực của người chuyển giới đã được báo chí ghi nhận, iSEE
Những vấn đề về kỳ thị đã được báo chí nhìn nhận thẳng thắn, phân tích và đã có nhiều nghiên cứu nhằm định hướng xóa bỏ đi sự kỳ thị trong xã hội.
Báo chí từ 2016 đến nay
Là khoảng thời gian báo chí có cái nhìn tích cực, bằng cách đăng tải các thông tin đa dạng hơn từ đời sống cá nhân đến hoạt động, sự kiện của các nhóm cộng đồng người chuyển giới nói riêng và LGBIQA+ nói chung. Hơn thế, báo chí cũng liên tục truyền tải các vấn đề bất cập trong luật pháp hiện tại với TG và mong muốn để luật chuyển đổi giới tính được ban hành.
Ca sĩ Lê Thiện Hiếu và bạn gái, Vnexpress
Đặc biệt năm 2019, lần đầu tiên tại Việt Nam, cuộc thi báo chí viết về người chuyển giới đã được SCDI tổ chức và thu được những bài viết tích cực. Tần suất những bài báo về người chuyển giới tăng mạnh trong khoảng thời gian trở lại đây. Chưa bao giờ báo chí lại phát huy được vai trò kết nối cộng đồng người chuyển giới như hiện tại, đưa tiếng nói và nguyện vọng của TG đến với người đọc và cơ quan làm luật.
Cùng lúc đẩy mạnh quá trình phát triển căn tính và đưa sự xuất hiện các nhân vật là người chuyển giới trên truyền thông là một cách khẳng định với người chuyển giới trẻ rằng họ không chỉ có một mình và sẽ không phải trải qua hành trình chuyển đổi xã hội đơn độc.
Muôn màu người chuyển giới nam Việt Nam, FTMVO
Nhìn chung, hình ảnh người chuyển giới tại Việt Nam đang dần được báo chí khắc họa rõ nét hơn, đa dạng hơn và không thể phủ nhận sự tiến bộ trong lăng kính của báo chí về cộng đồng người chuyển giới.
Hãy tham gia sinh hoạt định kỳ cùng chúng tôi để có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, nói lên tiếng nói của bạn và học hỏi từ cộng đồng LGBT. Đăng ký là thành viên tại trang web: https://songhanhphuc.info/ để tham gia và chia sẻ bạn nhé.
Quỳnh Hoa