Một báo cáo của Quỹ Kaiser Family (KFF) công bố vào tuần trước cho thấy có nhiều người LGBT+ bị mất việc làm và sức khỏe tâm thần giảm sút do đại dịch so với những người không là LGBT+
Tổ chức KFF đã khảo sát những người Mỹ về việc đại dịch đã thay đổi cuộc sống của họ như thế nào trong nhiều tháng. Trong đó bao gồm câu hỏi về xu hướng tính dục của người trả lời khảo sát.
Lindsey Dawson, một trong số các tác giả của nghiên cứu và phó giám đốc chính sách HIV tại KFF chia sẻ: “Những người LGBT+ thường có trải nghiệm bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Người LGBT+ có nguy cơ cao dễ gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Họ thường không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Một số thành viên trong cộng đồng phải sống với mức thu nhập thấp hơn và làm việc trong các ngành chịu tác động nặng nề hơn bởi COVID, vì vậy, có thể nói đây là cộng đồng dễ bị tổn thương trước đại dịch”.
Boell, Murat Başol
Báo cáo chỉ ra rằng, có tới 75% người LGBT+ tại Mỹ nói rằng họ cảm thấy bị ảnh hưởng tâm lý bởi đại dịch. Có 56% người LGBT+ cho biết có người trong gia đình họ đã bị mất việc làm, khó khăn hoặc giảm thu nhập hoặc số giờ làm việc do COVID-19, so với 44% người không thuộc LGBTQ. Gần 3/4 người LGBT+ cũng báo cáo rằng sức khỏe tinh thần của họ bị ảnh hưởng do những căng thẳng liên quan đến đại dịch, cao hơn, so với 49% người không thuộc cộng đồng LGBT+.
Đa số những người LGBT+ thường làm việc trong ngành biểu diễn, dịch vụ và khách sạn. Đây lại là những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch. Ngoài ra, cứ 10 người được hỏi thì có 4 người cho biết họ đã đối mặt với ít nhất một rào cản để được chăm sóc sức khỏe. Có thể thấy, đại dịch càng cho thấy rõ hơn sự bất bình đẳng trong việc chăm sóc sức khỏe đối với cộng đồng LGBT+ tại Mỹ.
Còn ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể về sức khỏe tâm lý của người LGBT+ trong đại dịch. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, mọi người nên có cho mình một số phương pháp để duy trì và bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình và người thân.
Covermymouth.com
Dưới đây là một vài công cụ để hỗ trợ bạn quản lý sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất của mình trong thời gian đầy thử thách này. Công cụ này bao gồm 5 phương pháp: Kết nối, Năng động, Tập trung, Học hỏi & Cho đi.
- Kết nối: Hãy xây dựng các kết nối xã hội vững chắc và đa dạng trong cuộc sống của bạn để làm tăng cảm giác hạnh phúc và giá trị bản thân. Ví dụ như liên lạc với gia đình, bạn bè hoặc tìm kiếm những người bạn mới,…
- Năng động: Những gì bạn làm với cơ thể có thể có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần của bạn. Do đó mà dù đang phải cách ly tại nhà, không thể chạy bộ hay đến phòng tập gym, bạn vẫn nên tìm cho mình những bài tập thể chất. Ví dụ như tập yoga, hay chăm sóc vườn rau tại gia,…
- Tập trung: Tâm trí của chúng ta thường bị cuốn theo suy nghĩ. Vì vậy, hãy dành cho bản thân thời gian và không gian để tĩnh lặng và tận hưởng thế giới xung quanh. Đánh thức tất cả các giác quan – không gian, âm thanh và những hương vị của hiện tại.
- Học hỏi: Giữ cho bộ não của bạn hoạt động là một cách tuyệt vời để cải thiện sức khỏe của bạn. Tại sao lại không bước ra khỏi vùng an toàn của bạn và học một kỹ năng mới? Ví dụ như học nấu ăn, hoặc nâng cao chuyên môn của mình thông qua các khóa học trực tuyến,…
- Cho đi: Cho dù đó là giúp đỡ một người bạn hay tham gia các hoạt động từ thiện, làm điều gì đó cho người khác là một cách tuyệt vời để cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn, đồng thời cũng tạo ra một nụ cười trên khuôn mặt của người khác.
Hãy tham gia sinh hoạt định kỳ cùng chúng tôi để có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, nói lên tiếng nói của bạn và học hỏi từ cộng đồng LGBT. Đăng ký là thành viên tại trang web: https://songhanhphuc.info/ để tham gia và chia sẻ bạn nhé.