Sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Chuyển đổi giới tính, do đại biểu Nguyễn Anh Trí đệ trình. Đây là sáng kiến pháp luật hiếm hoi do một đại biểu Quốc hội thực hiện.
Theo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới đã được điều chỉnh cơ bản thành Luật Chuyển đổi giới tính, cụ thể như sau:
Dự thảo Luật đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật; đổi tên Luật Bản dạng giới thành Luật Chuyển đổi giới tính; làm rõ hơn căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; điều chỉnh tương đối nhiều về điều kiện, quy trình, thủ tục chuyển đổi giới tính.
Trên cơ sở đó, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã chỉnh lý lại toàn bộ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật (gồm: Tờ trình, báo cáo đánh giá tác động của chính sách, báo cáo thực trạng xã hội và pháp luật; đề cương dự thảo Luật…), trong đó kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế chuyển đến đại biểu Quốc hội. Vì vậy, bố cục, nội dung trong hồ sơ đề nghị đã được thay đổi cơ bản; các nội dung đã tiếp thu, chỉnh lý chiếm khoảng 60% dung lượng đề nghị xây dựng Luật.
Bộ luật Dân sự đã có sự phân định rất rõ ràng quyền xác định lại giới tính (Điều 36) và quyền chuyển đổi giới tính (Điều 37). Việc xác định lại giới tính là dành cho những người có giới tính khi sinh chưa hoàn chỉnh nên phải xác định lại giới tính. Hiện nay, vấn đề xác định lại giới tính đang được thực hiện bằng Nghị định số 88/2008/NĐ-CP và không có vướng mắc trên thực tiễn. Do đó, đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính chỉ triển khai quy định của Điều 37 Bộ luật Dân sự, không quy định nội dung của Điều 36 Bộ luật Dân sự.
GS. Nguyễn Anh Trí cho biết, dự thảo Luật cũng đã thu hẹp phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chỉ tập trung vào người đã can thiệp y học thành 2 dạng giới nam và nữ. Vì nếu xét theo khái niệm bản dạng giới thì quá rộng, còn nhiều vấn đề chưa chín, còn tranh cãi, nên khó đạt được sự đồng thuận trong xã hội ở thời điểm này và chưa phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam, cũng như hệ thống pháp luật hiện hành (trong đó có Điều 37 của Bộ luật Dân sự về chuyển đổi giới tính).
- Chính sách 1 (về điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính) được điều chỉnh theo hướng: Giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời. Quy định như vậy nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Bổ sung quy định phải thực hiện can thiệp y học thì mới được công nhận đã chuyển đổi giới tính.
- Chính sách 2 (thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân) được điều chỉnh theo hướng: Thay vì công dân có quyền lựa chọn can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi đã được công nhận bản dạng giới, thì công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.
Hội đồng công nhận giới tính do UBND cấp huyện thành lập được thay bằng hội đồng can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp giấy xác nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính cho công dân. Nội dung này, ĐBQH kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế.
Đồng thời, bổ sung chính sách quy định công nhận các trường hợp đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực. Nội dung này ĐBQH kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế.
Về “Thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính”, công dân nộp đơn đề nghị công nhận giới tính đến cơ quan quản lý nhà nước về hộ tịch cấp huyện. Hồ sơ đề nghị cấp giấy công nhận giới tính mới của công dân gồm: Giấy khai sinh, lý lịch tư pháp; xác nhận tình trạng hôn nhân là độc thân; giấy xác nhận đã can thiệp y học.
Chậm nhất là từ 8 đến 11 ngày, cơ quan quản lý nhà nước về hộ tịch cấp huyện cấp giấy công nhận giới tính mới và ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch.