“Điều tuyệt vời nhất khi công khai giới tính thật là không ai có thể xúc phạm bạn về những điều bạn vừa nói”
Rachel Maddow
Khởi đầu từ sự ủng hộ mạnh mẽ tại một số quốc gia, việc xây dựng một môi trường thân thiện, tích cực dành cho cộng đồng học sinh LGBT+ ngày càng nhận được nhiều sự hưởng ứng và quan tâm từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại các trường đại học. Nhiều trường học đã kiến tạo ra một văn hóa học đường không chỉ dừng ở việc bảo vệ học sinh LGBT+, mà còn đảm bảo sinh viên LGBT+ nhận được điều kiện tốt nhất để họ tự tin thể hiện bản thân. Hãy cùng điểm qua những “ứng viên” tiêu biểu trong nỗ lực đem lại một nền giáo dục cởi mở và công bằng dành cho cộng đồng LGBT+.
Đại học Western Australia (Australia)
Vào năm 1979, trong bối cảnh cộng đồng LGBT+ phải chịu nhiều định kiến của xã hội thì trường Đại học Western Australia đã phát động chiến dịch khuyến khích sinh viên mạnh dạn sống đúng với chính mình. Kể từ năm 1993 trở đi, chính sách bình đẳng về xu hướng tính dục đã được Đại học Western Australia áp dụng. Sau đó vào năm 2001, trường đã thực hiện dự án Cầu Vồng (Rainbow Project) tạo được nhiều tiếng vang khi khảo sát ý kiến của sinh viên và cán bộ nhân viên nhà trường về vấn đề LGBT+. Nhờ có dự án này mà chương trình Đồng hành (Ally Program) đã có cơ hội ra đời, để tập hợp những người có chung mong muốn tạo dựng một môi trường học tập cởi mở và an toàn cho cộng đồng LGBT+. Vào năm 2016, trường bắt đầu áp dụng chính sách mới dành riêng cho những bạn chuyển giới. Ngoài việc tham gia vào chương trình Đồng hành, sinh viên LGBT+ còn có thể sử dụng dịch vụ tư vấn, giúp đỡ và tổ chức các hoạt động vui chơi dành riêng cho cộng đồng của văn phòng Tự hào (Pride Department) tại trường.
Đại học Sheffield (Anh)
Trường Đại học Sheffield cam kết mọi sinh viên đều có thể học tập trong môi trường an toàn và được đối xử một cách tôn trọng và bình đẳng. Nếu sinh viên không may trải qua bất kỳ hình thức bắt nạt nào ảnh hưởng đến tâm lý hoặc thể chất thì có thể báo cáo lên ban giám hiệu nhà trường để được giải quyết. Đối với những sinh viên đang trong quá trình chuyển giới, nhà trường sẵn sàng giúp đỡ trong việc điều chỉnh phòng ốc phù hợp và cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp. Những sinh viên LGBT+ bị cha mẹ ruồng bỏ hoặc cắt trợ cấp sẽ được nhà trường giúp đỡ với các dịch vụ hỗ trợ và chương trình học bổng để có thể tiếp tục theo đuổi việc học. Nhà trường cũng rất quan tâm đến sức khỏe của sinh viên LGBT+ với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cung cấp bao cao su và tư vấn tâm lý hoàn toàn miễn phí.
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM (USSH)
Có lẽ đây là trường đại học thuộc khối Đại học Quốc gia đầu tiên và cũng là trường đại học duy nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này thể hiện sự công khai ủng hộ cộng đồng người đồng tính.
Nhiều bạn đã thể hiện sự vui mừng trước hành động cực ý nghĩa của nhà trường, nhất là đúng dịp Tháng Tự hào: “Mình cảm thấy may mắn khi được học tập ở đây, mình được là chính mình, từ bên ngoài đến xu hướng của bản thân. Nhân Văn là trường đi đầu trong phong trào ủng hộ cộng đồng LGBT+ cũng như là việc ủng hộ sinh viên tự tin tỏa sáng theo cách riêng của mình. Việc làm này cũng giúp gắn kết các bạn sinh viên lại với trường, với nhau, đồng thời mình thấy nó cũng giúp sẻ chia và kiểu như đồng hành cùng các bạn nữa”.
“Oa, đúng là không hối hận khi quyết định đặt nguyện vọng 1 ở đây!”.
Không chỉ sinh viên, các giảng viên cũng dành sự quan tâm, ủng hộ đến sự kiện này. Một giảng viên nhà trường cũng bày tỏ về việc làm này của nhà trường: “Cô rất vui và cảm thấy sinh viên được thoải mái thể hiện mình, được tôn trọng và làm những điều mình thích. Cô thích sự thể hiện và đánh giá rất cao về cá tính và năng lực của các bạn, các bạn rất sắc sảo, lém lỉnh và thông minh.”.
Trong bối cảnh học sinh, sinh viên thuộc cộng đồng LGBT+ đang phải chịu nhiều định kiến, thiệt thòi, nhiều trường đại học đã và đang nhanh chóng xây dựng, đổi mới môi trường học tập theo hướng tiến bộ, nhằm đảm bảo bất kỳ học, sinh viên nào cũng được quan tâm, đối xử và giáo dục công bằng như nhau.
Phương Thảo