Một bộ phận dư luận đang công kích, châm biếm và xúc phạm cá nhân một cách vô căn cứ xu hướng tính dục của BN1342 và BN1347.
Nguồn ảnh bìa: Boston University
Tối 30/11/2020, Bộ Y tế công bố ca nhiễm COVID-19 mới sau hơn 80 ngày không xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Bệnh nhân được định danh số 1347, bị lây nhiễm do chuyển tới ở cùng BN1342, là một nam tiếp viên hàng không, trong thời gian người này đang phải thực hiện cách ly tại nhà. Ngay khi thông tin được đăng tải, dư luận bày tỏ lo ngại trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như chỉ trích hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh của hai bệnh nhân nói trên. Tuy nhiên, câu chuyện bị đẩy đi xa hơn, khi một số người lại đem xu hướng tính dục của BN1342 và BN1347 ra để suy diễn, mỉa mai và tấn công cá nhân bằng những ngôn từ mang đầy tính tiêu cực.
Trước hết, phải khẳng định rằng sự thiếu ý thức chấp hành các quy định cách ly trong phòng chống dịch bệnh, gây ra hậu quả lớn cho cộng đồng của BN1342 và BN1347 là hành vi đáng trách. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách công tâm, việc truy tìm danh tính cá nhân, đồn đoán về mối quan hệ, mạt sát xu hướng tính dục cũng như thêu dệt những câu chuyện không chính xác ngoài lề không những xúc phạm cá nhân của bệnh nhân, mà còn ảnh hưởng tới cả cộng đồng LGBT+. Trong khi đây chỉ là suy diễn chủ quan và tiêu cực của một số người, trong đó có cả một bộ phận cộng đồng LGBT. Điều này vô tình làm gia tăng sự kỳ thị, quy chụp cộng đồng LGBT+ là những người có lối sống phóng túng, không có ý thức phòng chống dịch bệnh, góp phần hằn sâu định kiến của xã hội đối với cộng đồng LGBT+ nói chung.
Ảnh: Xu hướng tính dục không ảnh hưởng đến hành vi và ý thức của một người (Nguồn: Fanpage Mượt)
Thực tế, việc tấn công đời sống riêng tư của các bệnh nhân Covid-19 chưa bao giờ là hành động đúng đắn. Trong quá khứ, hiện tượng “đám đông cuồng nộ” đã từng xuất hiện trên mạng xã hội, tự cho mình quyền lên tiếng, kết án, trừng phạt và thậm chí “truy sát” những cá nhân thiếu ý thức trong phòng, chống dịch bệnh. Những hành vi công kích cá nhân này thường xuất phát từ những định kiến, trong đó có tâm lý kỳ thị cộng đồng LGBT+, có thể cản trở và gián tiếp hủy hoại mọi công sức phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bài học này được rút ra từ làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Hàn Quốc hồi tháng 05/2020, khi nguồn lây nhiễm đầu tiên được xác định là một người đàn ông 29 tuổi từng đến các hộp đêm, câu lạc bộ dành cho người đồng tính tại khu Itaewon, Seoul. Sau khi thông tin này được tiết lộ, netizen Hàn đã gây ra “một cơn bão mạng” phỉ báng, miệt thị cả cộng đồng LGBT+, khiến cho những người lui tới khu vực trên không dám khai báo y tế trung thực. Sự kỳ thị và đổ lỗi vô căn cứ này khiến công tác chống dịch gặp nhiều khó khăn hơn, gián tiếp làm lan rộng làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Hàn Quốc.
Trong khi đó, Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho thấy rằng cộng đồng LGBT+ là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và chịu thiệt thòi nhất trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Họ khó khăn do định kiến, khi tìm kiếm và duy trì việc làm, bị gia đình và người thân từ chối, bị bạo hành và kỳ thị, đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, nhưng lại không nhận được những sự hỗ trợ cần thiết.
Hãy tham gia sinh hoạt định kỳ cùng chúng tôi để có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, nói lên tiếng nói của bạn và học hỏi từ cộng đồng LGBT. Đăng ký là thành viên tại trang web: https://songhanhphuc.info/ để tham gia và chia sẻ bạn nhé.
Mạc Phi