Đối với những người nhiễm HIV/AIDS, bên cạnh việc sử dụng các biện pháp điều trị kháng virus hoặc ARV để ngăn chặn virus phá hủy hệ thống miễn dịch thì chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo chất dinh dưỡng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết để bảo vệ và nâng cao sức khoẻ. Dưới đây là một số lời khuyên dinh dưỡng hữu ích cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
1. Tăng lượng protein trong các bữa ăn
Protein sẽ giúp cơ thể xây dựng và phát triển cơ bắp trong quá trình hoạt động thể chất.
Khi người bệnh dương tính với HIV/AIDS, protein dự trữ trong cơ thể rất dễ hao hụt nhanh, người bệnh sẽ sụt cân, cơ bắp giảm, dẫn đến các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác. Vì vậy, để cải thiện hệ thống miễn dịch, người bệnh nên tăng lượng protein vừa đủ trong các bữa ăn hằng ngày. Một số thực phẩm giàu protein có thể kể đến như: thịt nạc (bao gồm thịt bò, thịt gà, thịt lợn), cá, phô mai, trứng, đậu nành, đậu xanh và các loại hạt. Ngoài ra, người nhiễm HIV/AIDS nên lưu ý sử dụng lượng vừa phải đối với một số protein có nguồn gốc từ động vật bởi chúng có chứa các chất béo, dễ làm tăng lượng cholesterol trong máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
2. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất
Rau và trái cây là những thực phẩm lành mạnh và cân bằng chất dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS.
Không chỉ chứa các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ hệ miễn dịch, rau và trái cây còn cung cấp các vitamin và khoáng chất để giữ cho cơ thể hoạt động khỏe mạnh, giúp những người nhiễm HIV/AIDS chống chọi với các bệnh nhiễm trùng khác. Do vậy, người bệnh nên ăn nhiều rau trong các bữa, ăn những loại rau xanh lá (súp lơ xanh, rau cải, bắp cải), các loại củ quả và trái cây (cà chua, cam, chanh, dứa…), các loại hạt và đậu nành…để cung cấp thêm canxi và sắt cho cơ thể.
3. Uống đủ nước
Nước cũng là một yếu tố quan trọng giúp người nhiễm HIV/AIDS tránh bị khô miệng, mất nước, giảm mệt mỏi và bảo vệ hệ tiêu hóa. Ngoài ra, nước còn giúp người bệnh vận chuyển các chất dinh dưỡng cần thiết đi khắp cơ thể, làm giảm các tác dụng phụ của thuốc. Mỗi ngày một người trưởng thành cần khoảng 2,5 lít nước, trong đó nước uống bổ sung khoảng 1,2 – 1,4 lít/ngày (khoảng 6 – 7 cốc nước/ngày), lượng nước còn lại thường được đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống khác. Do đó, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nên lưu ý cần phải bổ sung đủ nước theo nhu cầu để đảm bảo cơ thể luôn ở trạng thái khỏe mạnh.
4. Thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm
Người nhiễm HIV/AIDS rất dễ bị nhiễm trùng do sự suy giảm miễn dịch cơ thể, nên càng cần phải cẩn thận hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số lưu ý về việc thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm như: cần đảm bảo ăn chín uống sôi; hạn chế sử dụng rau, thịt cá sống, ăn trái cây nên gọt vỏ; rửa tay sạch trước khi ăn; nên ăn thức ăn ngay sau khi nấu, nếu còn thừa thì nên bảo quản lạnh và tránh bảo quản thức ăn ở nhiệt độ bên ngoài quá 2 giờ.
Truy cập website: https://songhanhphuc.info/ để kết nối, chia sẻ và cập nhật các hoạt động của Phòng khám SHP.
Minh Anh