TLD – liệu pháp kháng virus chất lượng cao cho người có HIV
Với những nỗ lực từ Chính phủ và hỗ trợ của các Tổ chức Quốc tế, đến hết tháng 6/2020, cả nước đã có trên 148.226 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, tăng gần 292 lần so với năm 2004. Đồng thời, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đạt tỷ lệ ức chế virus HIV cao nhất trên thế giới (97%).
Để duy trì và tăng hơn nữa tỷ lệ ức chế HIV, việc phát triển các loại thuốc kháng HIV là vô cùng quan trọng góp phần đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh. Ngày 7/6/2019, với sự hỗ trợ của PEPFAR, Cục phòng, chống HIV/AIDS tổ chức hội thảo về thuốc Dolutegravir (DTG) và lợi ích khi sử dụng phác đồ TLD (Tenofovir/ Lamvudin/ Dolutegravir 300/300/50mg) như là lựa chọn tối ưu cho điều trị HIV. Hội thảo diễn đã có những phiên thảo luận về những giải pháp để Bộ Y tế Việt Nam có thể chuyển đổi sang sử dụng TLD bắt đầu từ tháng 10/2019.
Tháng 12/2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo sử dụng TLD như là phác đồ ưu tiên điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS do TLD có nhiều ưu điểm nổi bật hơn so với TLE (Tenofovir/Lamivudine/Efavirenz) là thuốc đang được sử dụng hiện nay. TLD là thuốc dung nạp tốt hơn, ức chế HIV nhanh và ít gây kháng thuốc hơn, ít tác dụng phụ, ít tương tác thuốc, dễ dàng sử dụng vì là viên phối hợp do vậy bệnh nhân cũng tuân thủ điều trị tốt hơn. TLD có thể sử dụng cho mọi đối tượng, từ người mới bắt đầu hoặc đang điều trị ARVs . Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam mới có thuốc TLD dùng cho người lớn và trẻ vị thành niên từ 10 tuổi và năng từ 30 kg trở lên. Sử dụng TLD khá đơn giản, bệnh nhân uống 1 viên/ngày, uống lúc đói hoặc lúc no đều được. Tuy nhiên, nên uống thuốc vào 1 thời điểm nhất định để tạo thói quen uống thuốc đều đặn và đạt hiệu quả cao.
TLD an toàn cho người sử dụng, hầu hết không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Một số tác dụng không mong muốn của thuốc có thể gặp như: rối loạn đường tiêu hóa, mất ngủ, tăng cân. Những tác dụng không mong muốn này hầu hết sẽ biến mất sau vài tuần sử dụng. Ngoài ra, nếu bệnh nhân mất ngủ do uống thuốc buổi tối thì có thể chuyển sang uống thuốc vào buổi sáng.
Ngày 20/11/2019 Bộ Y tế Việt Nam đã có Hướng dẫn điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS được ban hành kèm Quyết định số 5456/QĐ-BYT, trong đó viên kết hợp TLD đã chính thức được khuyến cáo sử dụng như là phác đồ ưu tiên thay cho phác đồ cũ khác ít tối ưu hơn. Các phác đồ không tối ưu có NVP (nevirapine) sẽ sớm được loại bỏ.
Hiện tại, thuốc TLD là thuốc mới đã được phép lưu hành tại Việt Nam và do PEPFAR (sắp tới là Quỹ Toàn Cầu) tài trợ. Tính đến tháng 6/2020 đã có 9,960 bệnh nhân được nhận thuốc TLD bao gồm cả bệnh nhân mới điều trị và được chuyển đổi từ phác đồ khác sang TLD. Hiện Bộ Y tế đang tích cực làm việc với Bảo hiểm Y tế Việt Nam để đưa thuốc TLD vào trong danh mục thuốc do Bảo hiểm Y tế chi trả. Theo kế hoạch, đầu năm 2022 sẽ có những bệnh nhân đầu tiên được nhận thuốc TLD từ nguồn bảo hiểm y tế.
Hãy tham gia sinh hoạt định kỳ cùng chúng tôi để có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, nói lên tiếng nói của bạn và học hỏi từ cộng đồng LGBT. Đăng ký là thành viên tại trang web: https://songhanhphuc.info/ để tham gia và chia sẻ bạn nhé.
Nguồn tham khảo: