Nghiên cứu đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp từ năm 2000 đến năm 2020 được công bố trên Tạp chí Y tế Toàn cầu Lancet do Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn, Anh năm 2021 đã đưa ra những ước tính về tỷ lệ mắc bệnh giang mai ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới trên toàn cầu cao đáng kể, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp dự phòng nhằm hạn chế sự lây nhiễm của căn bệnh nguy hiểm này.
Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra.
Để thu thập đầy đủ thông tin, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tầng tỷ lệ hiện mắc bệnh giang mai theo các giai đoạn 10 năm (giai đoạn từ năm 2000-2009 và giai đoạn từ năm 2010-2020) và giai đoạn 5 năm (2000–2004, 2005–2009, 2010–2014, 2015–2020). Ngoài ra, họ cũng ước tính tỷ lệ mắc bệnh giang mai trên toàn cầu theo mức thu nhập của quốc gia theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (thấp, trung bình thấp, trên trung bình và cao).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới có tỷ lệ lây nhiễm giang mai cao, và có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia và khu vực. Trong giai đoạn 2000-2020, tỷ lệ trung bình mắc bệnh giang mai trên toàn cầu ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới là 7,5%, so với ước tính gần đây nhất về bệnh giang mai ở nam giới trong dân số chung vào năm 2016 là 0,5%. Bên cạnh đó, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ xét nghiệm và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra. Mặc dù vậy, tỷ lệ lây nhiễm giang mai trong nhóm nam có quan hệ tình dục với nam luôn ở mức cao đáng kể, đặc biệt là tại những khu vực có thu nhập thấp, trung bình và có tỷ lệ nhiễm HIV trên 5%.
Theo các nhà nghiên cứu, bệnh giang mai hoàn toàn có thể dự phòng được và có thể điều trị khỏi nếu biết cách áp dụng các biện pháp can thiệp tiết kiệm chi phí phù hợp như xét nghiệm máu thường xuyên, hay điều trị bằng tiêm benzathine penicillin. Tuy nhiên, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, những rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, các rào cản về chăm sóc sức khỏe nói chung, rào cản chính sách và luật pháp, phân biệt đối xử và bạo lực làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh giang mai.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh đến vai trò của các bên liên quan trong việc giải quyết các rào cản về cấu trúc hệ thống y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm, điều trị và phòng ngừa bệnh giang mai; đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho tất cả các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, từ đó, giảm tỷ lệ mắc bệnh giang mai trên toàn cầu là 90% vào năm 2030.
Có thể nói, việc tầm soát và điều trị bệnh giang mai được coi là những biện pháp can thiệp hiệu quả khi được kết hợp với các phương pháp dự phòng khác như sử dụng bao cao su đúng cách một cách thường xuyên, duy trì mối quan hệ bạn tình 1-1, khám và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán định kỳ cũng như thông báo sớm đến bạn tình có quan hệ trong vòng 3 tháng trở lại để được chữa trị kịp thời.
Truy cập website: https://songhanhphuc.info/ để kết nối, chia sẻ và cập nhật các hoạt động của Phòng khám SHP.
Minh Anh
Tài liệu tham khảo:
- Study reveals high prevalence of syphilis in gay community – WHO [Internet]. Clinical Health Journal. 2021 [cited 2022 Apr 7]. Available from: https://clinicalhealthjournal.com/study-reveals-high-prevalence-of-syphilis-in-gay-community-who/
- Tsuboi M, Evans J, Davies EP, Rowley J, Korenromp EL, Clayton T, et al. Prevalence of syphilis among men who have sex with men: a global systematic review and meta-analysis from 2000–20. Lancet Glob Health. 2021 Aug 1;9(8):e1110–8.
- WHO study finds ‘unacceptably high’ global prevalence of syphilis among gay people [Internet]. . 2021 [cited 2022 Apr 7]. Available from: https://www.herald.ng/who-study-finds-unacceptably-high-global-prevalence-of-syphilis-among-gay-people/