HIV là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (AIDS). HIV tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh như nhiễm trùng cơ hội, ung thư và một số bệnh khác, dẫn đến tử vong.
Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh. Trước đây, khi chưa có điều trị thuốc ARV, người nhiễm HIV có thể tiến triển thành giai đoạn cuối là AIDS trong vài năm. Hiện nay, người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV trước khi bệnh tiến triển có thể sống khỏe mạnh gần như người không nhiễm HIV.
A. Diễn biễn và Triệu chứng
– Giai đoạn nhiễm HIV cấp tính thường diễn ra trong vòng 2-4 tuần sau khi nhiễm HIV. Trong giai đoạn này có thể gặp các biểu hiện của hội chứng nhiễm HIV cấp như sốt, viêm họng, nổi hạch, phát ban, mệt mỏi, đau mỏi cơ…, hoặc không có triệu chứng.
Hầu hết xét nghiệm HIV thường sử dụng hiện nay là loại xét nghiệm tìm kháng thể, nhưng thời kì này xét nghiệm kháng thể kháng HIV có thể vẫn âm tính, nhưng lại rất dễ lây nhiễm cho người khác do tải lượng vi rút trong máu cao.
– Giai đoạn không triệu chứng kéo dài trong nhiều năm, thường ổn định và không tiến triển thành AIDS nếu tuân thủ điều trị thuốc ARV hàng ngày.
– Giai đoạn HIV tiến triển bao gồm AIDS xảy ra vài năm sau khi nhiễm HIV nếu không được điều trị. Người bệnh mắc kèm theo các bệnh nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu và có thể tử vong.
B. Đường lây truyền
– Đường quan hệ tình dục: qua quan hệ tình dục hậu môn hoặc âm đạo không dùng bao cao su, đặc biệt nguy cơ cao hơn trong quan hệ tình dục hậu môn.
– Đường máu: tiêm chích ma túy và dùng chug dụng cụ tiêm chích. Truyền máu và các chế phẩm của máu không được sàng lọc. Dùng chung dụng cụ xăm mình.
– Từ mẹ sang con: trong thời kỳ mang thai, chuyển dạ, khi sinh và qua sữa mẹ.
“Xét nghiệm là cách duy nhất để biết có nhiễm HIV hay không. Do đa số người có HIV không xuất hiện triệu chứng hoặc triệu chứng khó nhận biết cho đến khi tiến triển thành AIDS. Họ không biết mình đang mang vi rút và có thể lây nhiễm cho người khác.
Người có nguy cơ cao: nam có QHTD với nam, người có nhiều hơn 1 bạn tình, bạn tình có HIV hoặc không rõ tình trạng nhiễm, QHTD đổi lấy tiền hoặc hiện vật, dùng chung bơm kim tiêm, người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì nên xét nghiệm định kì mỗi 3-6 tháng/lần.
Kết quả xét nghiệm HIV đều được bảo mật thông tin tuyệt đối.
C. Xét nghiệm HIV
– Xét nghiệm sàng lọc
Do nhân viên y tế, nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện hoặc do khách hàng tự xét nghiệm, như test nhanh Alere combo, tự xét nghiệm INSTI, test dịch miệng OraQuick…
+ Kết quả không phản ứng: không phát hiện HIV.
Nếu nghi ngờ giai đoạn cửa sổ cần xét nghiệm lại sau 3 tháng.
Nếu thuộc nhóm nguy cơ cao, cần xét nghiệm định kì mỗi 6 tháng.
+ Kết quả có phản ứng: nghi ngờ nhiễm HIV, cần được làm xét nghiệm khẳng định.
– Xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV chỉ thực hiện được tại một số phòng xét nghiệm nhất định được Bộ Y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp phép xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV.
+ Kết quả âm tính: không nhiễm HIV, nếu nghi ngờ giai đoạn cửa sổ cần xét nghiệm lại sau 3 tháng.
+ Kết quả không xác định: không xác định tình trạng nhiễm HIV, cần xét nghiệm lại sau 14 ngày.
+ Kết quả dương tính: khẳng định nhiễm HIV, được chuyển gửi đến các cơ sở điều trị HIV.
D. Điều trị
Người có HIV sẽ được điều trị ARV (thuốc kháng vi rút HIV) bằng cách uống thuốc mỗi ngày theo phác đồ của Bộ Y tế ban hành.
Việc tuân thủ điều trị thuốc có thể ức chế tối đa và lâu dài sự nhân lên của vi rút, phục hồi miễn dịch, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong liên quan tới HIV. Người có HIV tuân thủ điều trị đạt tải lượng vi rút trong máu dưới 200 bản sao/ml sẽ không thể lây bệnh cho người khác qua đường quan hệ tình dục, và giảm tối đa nguy cơ lây bệnh qua những con đường khác.
Truy cập website: https://songhanhphuc.info/ để kết nối, chia sẻ và cập nhật các hoạt động của Phòng khám SHP.
Nguồn: Handbook Các bệnh thường gặp khi “cậu chủ nhỏ” biết yêu – Cẩm nang các bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục do Phòng khám SHP – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xuất bản vào tháng 4/2020.