PrEP là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho người có hành vi nguy cơ cao nhưng chưa nhiễm HIV, uống thuốc kháng vi rút hàng ngày hoặc theo tình huống để phòng lây nhiễm HIV.
Sử dụng PrEP hàng ngày làm giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục trên 90%.
A. Ai cần dùng PrEP?
Những người chưa nhiễm HIV và có nguy cơ nhiễm HIV trong 6 tháng qua gồm:
+ Có QHTD không sử dụng bao cao su với nhiều bạn tình, hoặc với bạn tình không rõ tình trạng nhiễm HIV.
+ Người mắc các bệnh STIs.
+ Bạn tình có HIV nhưng chưa điều trị hoặc đang điều trị nhưng chưa đạt tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu.
+ Sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích.
B. PrEP có an toàn không?
- PrEP an toàn với hầu hết người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Chỉ có một số ít người (khoảng 10%) gặp tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi… nhưng thường nhẹ và chấm dứt sau vài ngày đến hai tuần.
- PrEP có thể ảnh hưởng nhẹ đến chức năng thận, nhưng ảnh hưởng này không đáng kể khi so với lợi ích dự phòng của thuốc. Người dùng PrEP cũng được kiểm tra chức năng thận mỗi 6 tháng/lần.
- PrEP không ảnh hưởng đến việc sử dụng hormon nữ.
C. Sử dụng PrEP thế nào?
– PrEP là biện pháp dự phòng bằng thuốc nên cần có chỉ định của bác sĩ, cần được xét nghiệm HIV và một số xét nghiệm cần thiết khác như chức năng thận, viêm gan B… trước khi sử dụng PrEP.
– Tái khám định kì mỗi 3 tháng để được theo dõi, xét nghiệm HIV và lĩnh thuốc PrEP.
– Uống thuốc đều đặn mỗi ngày 1 viên vào giờ cố định. Dùng các biện pháp hỗ trợ như hẹn giờ, ứng dụng điện thoại nhắc nhở để khỏi quên. Nếu lỡ quên, hãy uống ngay khi nhớ ra (không uống quá 2 viên trong 24 giờ).
– Có 2 hình thức sử dụng PrEP:
+ PrEP hàng ngày: Khởi liều ngày đầu tiên với 2 viên thuốc uống cùng lúc, sau đó uống mỗi ngày, dành cho tất cả những người có nhu cầu và có chỉ định sử dụng PrEP.
+ PrEP theo tình huống: Uống 4 viên mỗi lần quan hệ tình dục (QHTD), trong đó 2 viên cùng lúc từ 2-24h trước khi quan hệ, 1 viên sau đó 24h (tính từ 2 viên đầu tiên) và 1 viên sau đó 24h. Nếu sau đó lại có QHTD, tiếp tục uống mỗi ngày 1 viên cho đến khi đủ 2 viên sau lần QHTD cuối cùng. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ phù hợp với nam QHTD với nam. Có thể đảm bảo tuân thủ 100% PrEP theo tình huống và thấy cách dùng đó tiện lợi hơn, tần suất QHTD thấp, ít hơn 2 tuần/lần, có thể lên kế hoạch cho QHTD hoặc trì hoãn QHTD ít nhất 2 giờ, và không mắc viêm gan B mạn tính.
D. Tại sao vẫn cần các biện pháp dự phòng khác khi đang dùng PrEP?
PrEP phòng lây nhiễm HIV nhưng không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, viêm gan B, C, sùi mào gà,…
Do đó, nên kết hợp sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và bơm kim tiêm sạch khi tiêm chích để đạt được hiệu quả bảo vệ tối đa.
E. Khi nào dừng sử dụng PrEP?
– Khi không còn nguy cơ nhiễm HIV.
– Khi không muốn uống thuốc hàng ngày: có thể cân nhắc việc sử dụng PrEP theo tình huống (ED-PrEP) hoặc dùng các biện pháp dự phòng khi quan hệ.
– Khi các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Khi bị nhiễm HIV trong quá trình sử dụng PrEP.
– Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn muốn ngừng sử dụng PrEP để được tư vấn cẩn thận trước khi ngừng thuốc.
Truy cập website: https://songhanhphuc.info/ để kết nối, chia sẻ và cập nhật các hoạt động của Phòng khám SHP.
Nguồn: Handbook Các bệnh thường gặp khi “cậu chủ nhỏ” biết yêu – Cẩm nang các bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục do Phòng khám SHP – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xuất bản vào tháng 4/2020.