Giang mai có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm, vì vậy hãy trở thành bạn tình thông thái
Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Giang mai có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh giang mai lây qua đường truyền nào?
- Bệnh lây truyền chủ yếu qua các thương tổn da và niêm mạc chứa nhiều xoắn khuẩn giang mai.
- Bệnh lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn (đường âm đạo, hậu môn hay miệng), qua các vết xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai.
- Lây truyền từ mẹ sang con (giang mai bẩm sinh).
Bệnh giang mai ở nam giới có những triệu chứng nào?
Biểu hiện lâm sàng của bệnh giang mai rất đa dạng, tùy theo từng thời kỳ.
Giang mai thời kỳ 1:
- Thời kỳ ủ bệnh kéo dài khoảng 3 tuần kể từ khi phơi nhiễm.
- Sau thời kỳ ủ bệnh xuất hiện tổn thương gọi là săng giang mai, thường gặp ở niêm mạc sinh dục, quy đầu, miệng sáo, bìu … hoặc có thể gặp ở miệng, môi lưỡi. Săng giang mai là một vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, kích thước khoảng 0,5 – 2cm, giới hạn rõ và đều đặn, đáy sạch màu đỏ như thịt tươi, nền cứng và bóp không đau.
- Hạch vùng bẹn sưng to 5-6 ngày sau khi có săng, thành chùm, có một hạch to nhất gọi là hạch chúa.
Giang mai thời kỳ 2:
Thời gian từ 6-8 tuần kể từ khi có săng, xoắn khuẩn giang mai sẽ vào máu và xuất hiện các tổn thương trên da, niêm mạc, khi lành thường không để lại sẹo.
- Đào ban, là các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình
- Mảng niêm mạc, thường gặp ở hậu môn, sinh dục.
- Viêm hạch lan tỏa.
- Rụng tóc kiểu rừng thưa.
Giang mai thời kỳ 3: khoảng 3 năm kể từ khi có săng.
- Gôm giang mai ở da, cơ, xương.
- Thương tổn tim mạch, mắt, thần kinh.
Chú ý: Giữa thời kỳ 1 đến thời kỳ 2, giữa thời kỳ 2 đến thời kỳ 3, bệnh có thể không có các triệu chứng lâm sàng. Đó là giang mai kín và được phát hiện chỉ khi làm xét nghiệm huyết thanh.
Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh giang mai?
Xét nghiệm máu thường được sử dụng bao gồm xét nghiệm giang mai không đặc hiệu (RPR, VRDL) và xét nghiệm giang mai đặc hiệu (TPHA, TPPA).
Bệnh giang mai có chữa khỏi được không?
Bệnh giang mai có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên nếu không được phát hiện sớm, hoặc để bệnh nặng mà không được chữa trị hợp lý và kịp thời sẽ gây ra tổn thương nghiêm trọng cho não, hệ thần kinh và nhiều cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả tim.
Phòng bệnh giang mai như thế nào?
- Sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục.
- Duy trì mối quan hệ chung thủy khi biết chắc chắn cả hai không bị nhiễm.
- Nhiều người nhiễm giang mai không có triệu chứng rõ ràng, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán phù hợp là rất cần thiết.
- Sau điều trị, bệnh giang mai vẫn có thể tái nhiễm nếu tiếp xúc lại với nguồn lây, do đó cần chú ý triệu chứng để khám chữa bệnh kịp thời.
- Thông báo với bạn tình có quan hệ trong vòng 3 tháng trở lại đây để họ sớm đi xét nghiệm phát hiện bệnh sớm.
Hãy tham gia sinh hoạt định kỳ cùng chúng tôi để có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, nói lên tiếng nói của bạn và học hỏi từ cộng đồng LGBT. Đăng ký là thành viên tại trang web: https://songhanhphuc.info/ để tham gia và chia sẻ bạn nhé.
Nguồn tham khảo:
- Centers for Disease Control and Prevention. Syphilis – CDC Fact Sheet. Published online June 2017.
- Phạm Văn Hiển. Da liễu học. 1st ed. NXB Giáo dục Việt Nam; 2010.